Gia Sư BLOG

Gia Sư Blog, nơi tổng hợp thông tin đầy đủ nhất về tình hình gia sư hiện nay tại Việt Nam

Ba năm kinh nghiệm làm gia sư

1. Hãy cẩn thận với chính bản thân mình.



Điều cần nhất ở mỗi gia sư là kiến thức và phương pháp sư phạm. Cách dạy học và trình độ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có thể không cần phải có trình độ cao, không cần phải học giỏi nhưng phải biết rõ đối tượng học trò của mình để có phương pháp phù hợp. Đó là cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, cuốn hút học trò bằng những câu chuyện minh hoạ sinh động, gắn liền với bài học và phải biết cách đưa học sinh nhanh chóng nhập cuộc vào bài học. Còn với kiến thức, bạn thấy mình có thể dạy được môn nào, lớp mấy thì chỉ đăng ký đúng như vậy chứ đừng liều lĩnh đăng ký cả những môn mình không có khả năng để cốt sao có địa chỉ đi dạy.

Về tác phong sư phạm: Bạn phải ăn mặc gọn gàng, đứng đắn để tạo vẻ bề ngoài dễ gần và tạo cho mình sự tự tin. Học trò luôn thích những gia sư dễ coi ngồi cạnh kèm cặp, chứ có gương mặt bùi bụi, bẩn bẩn, luôn cau có, khó đăm đăm sẽ làm cho chúng thấy khó chịu. Tác phong sư phạm ở đây bao gồm cả lời nói, cách đi đứng, điệu bộ, thái độ, cử chỉ…

Trong buổi đầu đi dạy, bạn phải chuẩn bị thật cẩn thận, đầy đủ, chu đáo tất cả các đồ dùng dạy học, giáo án… để tạo ra cho học sinh và gia đình của học sinh những ấn tượng tốt đẹp ban đầu. Bạn phải thật bình tĩnh và tự tin trước cái nhìn dò xét của học trò và gia đình, phải có cách bắt đầu thật phù hợp và tự nhiên. Muốn vậy, ngay từ hôm trước, bạn phải nghĩ đến rất nhiều tình huống và phải tìm cách giải quyết chúng. Phải luôn tự đặt ra những câu hỏi cho mình như: Mai mình sẽ đến nhà học trò như thế nào? Câu đầu tiên mình sẽ nói gì? Làm gì để có được thiện cảm và ấn tượng tốt lúc ban đầu?...

2. Hãy cảnh giác với các Trung tâm gia sư.



Các Trung tâm gia sư thường lấy trước của bạn khoảng 50% tháng lương gia sư đầu tiên mà bạn sẽ nhận được từ gia đình học trò, trước khi họ giao địa chỉ. Đó là số tiền không hề nhỏ, nhất là có những địa chỉ trả tới bốn, năm trăm nghìn một tháng dạy kèm, thì bạn phải đi vay mượn, thậm chí phải cầm cố những vật dụng đáng giá của mình mới có được. Lãi nóng của hiệu cầm đồ, cộng với số tiền bạn phải nộp trước cho Trung tâm gia sư khi đăng ký (gọi là lệ phí đăng ký khoảng từ 5 đến 10 nghìn đồng), số tiền mua địa chỉ đi dạy (50% lương tháng đầu), tiền mua sách giáo khoa, tiền sửa chữa xe cộ đi lại cũng ngốn hết của bạn tháng thu nhập đầu tiên. Bởi vậy, khi mua địa chỉ đi dạy là bạn bắt đầu bước vào trò chơi mạo hiểm như đánh bạc vậy, chẳng may sẽ mất cả chì lẫn chài bởi “tiền trao cháo múc” là xong, không ai còn chịu trách nhiệm về nhau nữa và Trung tâm gia sư họ chỉ đảm bảo địa chỉ bạn vừa nhận là có thật.

Các Trung tâm gia sư thường có bản hợp đồng hẳn hoi, có các điều khoản rất rõ ràng nhưng đó chỉ là những tờ giấy lộn vì chúng chẳng có tí giá trị nào về mặt pháp lí và các điều khoản trong đó đều mang lợi ích về cho Trung tâm gia sư, quy mọi trách nhiệm cho gia sư và gia chủ. Vì thế, nếu không may mắn, bạn sẽ bị mất chỗ dạy sau vài buổi hoặc sau một tháng là bạn mất luôn số tiền mua địa chỉ. Việc này, nhiều khi do chính Trung tâm gia sư thoả thuận trước với gia đình người học, thậm chí họ còn hứa hẹn sẽ đảm bảo cho gia sư trong vòng một tháng, nếu như không dạy đủ được số buổi như thoả thuận trong hợp đồng, sẽ được lấy lại một phần ba số tiền mua địa chỉ. Tuy nhiên, khi bạn quay lại hỏi việc này, họ sẽ trở mặt ngay. Nếu bạn thực sự là kẻ rắn mặt thì cũng chẳng lấy lại được đáng là bao vì họ quy hết lỗi về phía gia sư. Hơn nữa, có nhiều Trung tâm gia sư chỉ có một, hai địa chỉ nên không thể tồn tại nổi trong một tháng đầu đi dạy của bạn.

Cho nên, trước khi nhận địa chỉ, bạn cần phải cân nhắc một cách kỹ càng và tốt nhất là chỉ xin nộp một phần số tiền mua địa chỉ, còn lại hẹn họ sau một tháng hay vài buổi dạy sẽ trả nốt, để có thời gian kiểm tra về độ chắc chắn địa chỉ dạy của mình.

Đã có chuyện nhớ đời cho nhiều sinh viên lần đầu tiên đi làm gia sư. Tháng 4 năm 1998, rất nhiều sinh viên đã đến nộp tiền trước cho Trung tâm gia sư 391 - Cầu Giấy – Hà Nội để được hứa hẹn là thứ hai tuần tới đến nhận địa chỉ. Do địa chỉ dạy quá béo bở, toàn 500 đến 600 nghìn đồng một tháng, nên những sinh viên lần đầu muốn đi làm gia sư đã hồ hởi nộp vào đấy ít nhất là 150 nghìn, cao nhất là 400 nghìn. Thế là Trung tâm gia sư này vớ được mấy chục triệu chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Sau đó thì bùng, biệt vô âm tín. Sinh viên chỉ biết mếu máo dắt díu nhau đến trình báo tại Công an quận Cầu Giấy nhưng cho đến tận bây giờ cũng chưa thấy có kết quả gì. Ngoài ra, còn một dạng lừa đảo thường gặp khác mà khá nhiều sinh viên đã mắc bẫy, nộp 50% tháng lương đầu cho Trung tâm gia sư để có được địa chỉ nhưng đến cuối tháng khi gia chủ trả tiền công mới ngã ngửa người ra là địa chỉ này do Trung tâm gia sư khác chuyển sang cho Trung tâm gia sư này và họ đã lấy trước của gia chủ một phần ba số tiền công tháng đầu của gia sư khi họ đến làm hợp đồng với gia chủ. Lúc ấy thì khóc dở, mếu dở, chẳng có lí do gì để đến đòi lại tiền của Trung tâm gia sư cả.

Vì thế, cách tốt nhất là bạn nên đăng tin cần tìm địa chỉ gia sư lên một số tờ báo có đăng tin miễn phí như tờ Mua và Bán và chịu khó chờ đợi. Nếu có điện thoại, nên đánh vi tính một tờ quảng cáo rồi phô tô thành nhiều bản, đi phát cho mọi người ở các khu tập thể, các cổng trường học. Như thế, chắc chắn bạn sẽ có địa chỉ dạy mà chẳng bị ai lừa cả.

3. Hãy lấy lòng học sinh.



Gia sư đi dạy cũng phải hiểu rằng, tuy mình đang là người thầy nhưng nhiều khi chỉ là một người thầy bằng giấy, vì đối tượng học trò của mình không giống như các học trò và thầy giáo trong các nhà trường phổ thông để bạn có thể mắng mỏ, quát nạt chúng. Chúng đa phần là những đứa vừa dốt, vừa láo, vừa nghịch ngợm, con nhà giàu có nên nhiều lúc gia sư còn đóng vai trò là người giữ trẻ. Bố mẹ chúng thường chẳng có thời gian để kiểm tra xem gia sư làm thế nào, mà mọi thông tin tốt hay xấu về gia sư, cần thêm hay bớt buổi dạy, cho gia sư dạy tiếp hay nghỉ luôn…, thường thông qua đứa con yêu quý của mình. Do vậy, gia sư phải hiểu được tâm lí học trò, gần gũi, hoà đồng với học trò để tạo thiện cảm. Cần phải có thêm những tri thức thật chắc chắn về một lĩnh vực nào đó mà học trò đang quan tâm để chúng nể, chúng thấy mình rất “siêu”. Phải biết kể chuyện lẫn vào các bài học và vài buổi dạy đầu tiên có thể dành ít phút nán lại chơi cờ, chơi điện tử, chời tú lơ khơ… với chúng, nếu chúng muốn. Khi học trò đã có thiện cảm với mình, gia sư mới có thể yên tâm là có lúc mình quát mắng chúng cũng sẽ ngồi yên chịu trận mà không phản ứng lại.